Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Giúp con đối phó vấn nạn học quá tải

Học quá tải là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nhà sư phạm, các bác sĩ, và trước hết là các bậc phụ huynh. Bởi sự quá tải về trí lực sẽ dẫn đến stress, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của các em.

trẻ học quá tải có nhiều hệ lụy

Trẻ học quá tải có nhiều hệ lụy

Các chuyên gia nhận thấy, một trong những nguyên nhân làm suy yếu sức khỏe của học sinh – đó là sự căng thẳng vì thiếu thời gian học. 50 năm gần đây khối lượng học tập của các em đã tăng hơn hai lần. Tương ứng với khối lượng học tập ở trường là việc gia tăng khối lượng bài tập về nhà. Thêm vào đó rất nhiều em còn tham gia các khóa âm nhạc, thể thao, hội họa, các giờ thực hành khác. Cuối cùng để kịp làm tất cả các việc đó các em buộc phải thường xuyên vội vàng, các em thực sự không còn thời gian để nghỉ ngơi. Một vấn đề nữa là áp lực tâm lý lên các em từ phía thầy cô giáo và cha mẹ. Không hiếm trường hợp nguyên nhân của stress là đòi hỏi cao về điểm số, thành tích trong thi đấu thể thao, âm nhạc...

Nghiên cứu của các nhà sinh lý học cho thấy 40% học sinh tiểu học có các dấu hiệu của chứng loạn thần kinh chức năng âm thầm hoặc rõ rệt. Trong số trẻ vị thành niên con số này đạt tới 70%. Những trường càng “mạnh”, chương trình học tập càng căng thẳng, tỉ lệ này càng cao. Ở những học sinh học ở các trường chuyên đến cuối tuần hoặc cuối kỳ, cuối năm khả năng học tập của học sinh bị giảm sút rõ rệt.

Nguy cơ của sự quá tải còn nằm ở chỗ ít hoạt động thể chất. Ngày nay các em ít khi nghỉ ngơi bằng đi dạo ngoài trời mà thường là ngồi trước màn hình tivi hay máy tính. Theo tổng kết của các nhà sinh lý học và sư phạm, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở có 30-40% học sinh thiếu vận động, ở bậc trung học phổ thông tỉ lệ này lên tới 80%. Thiếu vận động ảnh hưởng xấu không chỉ tới thể chất mà cả tâm lý, khi chạy, nhảy, chơi các trò chơi vận động, thậm chí chỉ là đi dạo ngoài trời cũng khiến các em được giải tỏa những căng thẳng tâm lý.

Cha mẹ cần lưu ý những điều gì?

Có những dấu hiệu chứng tỏ con bạn đang bị quá tải hoặc rơi vào trạng thái căng thẳng mạn tính:

Trẻ không tập trung. Ngồi làm bài tập về nhà trong thời gian dài do trẻ không tập trung làm. Ở lớp cô giáo than phiền trẻ không chịu nghe giảng, thường hay mất tập trung.

Buổi tối trẻ rất khó ngủ, thậm chí có thể đi ngủ sau 12 giờ đêm. Ban ngày chúng lại luôn cảm thấy buồn ngủ.

Trẻ ăn không ngon miệng, người gầy yếu. Theo thống kê ở Matxcơva đến giữa kỳ một 60% học sinh lớp 1 bị sụt cân, mặc dù trẻ đang ở độ tuổi tăng cân.

Trẻ thường bị kích động, hay nói tục, có sự thay đổi tâm trạng một cách cá biệt.

Trẻ thường bị đau đầu, thỉnh thoảng tăng huyết áp. Đặc biệt sự thay đổi về huyết áp do căng thẳng trí óc thường thấy ở các trẻ gái.

Nếu những dấu hiệu trên không bị mất đi sau 1,5 – 2 tuần bạn cần đưa trẻ đi khám. Các bác sĩ sẽ có những phương pháp hiện đại giúp trẻ phục hồi khỏi stress, cũng như nâng cao khả năng làm việc trí óc. Đi khám bác sĩ là cần thiết vì trong số các biểu hiện của mệt mỏi còn có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh khác trong cơ thể mà cần được chữa trị kịp thời.

SOS

Sự quá tải mạn tính khiến trẻ mắc bệnh cảm cúm. Sự quá tải về trí tuệ làm suy giảm khả năng thích nghi của cơ thể với môi trường, trong đó có hệ miễn dịch. Căng thẳng trong học tập tăng lên kéo theo rất nhiều bệnh mạn tính. Trong đó phải kể đến trước tiên là các bệnh thuộc hệ hô hấp và tiêu hóa, thứ nữa là sự suy giảm của các cơ quan tim mạch, cuối cùng là các bệnh thuộc hệ thần kinh, vận động. Theo thống kê sau một thời gian học số trẻ mắc bệnh mạn tính tăng gấp đôi.

Cha mẹ không thể tác động nhiều tới khối lượng học tập của trẻ ở trường bởi các giờ học đã có thời khóa biểu và được các thầy cô giáo ở trường ra yêu cầu. Song cha mẹ có thể theo dõi khối lượng bài tập về nhà của trẻ để phát hiện sự quá tải trong hoạt động trí óc, giải phóng cho trẻ khỏi những căng thẳng về trí óc bằng cách:

Theo dõi xem trẻ có dành quá nhiều thời gian khi ngồi máy vi tính không nếu những việc trên máy tính không liên quan đến yêu cầu học tập. Đối với trẻ tuổi vị thành niên không được ngồi máy tính quá 1,5 giờ. Đối với trẻ dưới 8 tuổi chỉ cho phép ngồi máy tính đến 40 phút, trẻ dưới 7 tuổi không quá 20 phút một ngày. Nếu trẻ phải ngồi học trên máy vi tính thì cứ nửa giờ cần được nghỉ 10 phút.

Trẻ ngồi lâu trước màn hình chịu nhiều tác hại tới sức khỏe

Trẻ ngồi lâu trước màn hình chịu nhiều tác hại tới sức khỏe

Hãy giúp con bạn tìm ra những giờ học cho tâm hồn. Thường trẻ không có hứng thú với các giờ học âm nhạc hay nghệ thuật, chúng sợ học, hoặc không thích các môn này. Trò chuyện với trẻ làm rõ thực sự trẻ thích môn gì để giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo. Nếu môn học nào trẻ thực sự ham thích thì khả năng tải khối lượng học tập sẽ tăng lên, sự căng thẳng cũng giảm đi.

Trong bất kỳ trường hợp nào các giờ học thêm cũng không được kết thúc mộn hơn 19 giờ. Bởi nếu không trẻ sẽ không còn đủ thời gian để nghỉ ngơi.

Theo dõi xem trẻ có tuân thủ đúng giờ giấc sinh hoạt trong ngày: giờ ngủ trưa, giờ ăn, giờ đi ngủ tối vào một thời điểm cố định trong ngày. Mỗi đêm trẻ phải ngủ được 8 – 9 giờ.

Luôn cố gắng không tạo áp lực cho trẻ. Động viên khích lệ khi trẻ thành công, không mắng mỏ, chì chiết khi trẻ thất bại.

Cố gắng động viên trẻ vận động nhiều hơn. Nếu trẻ không học đủ thể thao ở trường thì hãy đưa trẻ đi dã ngoại, thăm quan. Hoạt động thể chất, thay đổi các hình thức hoạt động, ấn tượng mới mẻ sẽ tác động tích cực lên hệ thần kinh của trẻ.

Chú ý vào chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong thực đơn cần có đủ lượng đạm cần thiết (có trong thịt nạc, cá và pho mát), đường phức (thường có trong các loại ngũ cốc và bánh mỳ đen) cũng như vitamin (có trong các loại rau, củ, quả). Để não hoạt động tốt cần các loại mỡ béo có trong các loại cá béo, dầu thực vật chứa nhiều mỡ chưa no, các loại hạt...

Khuyến cáo

Để giúp trẻ không bị mệt mỏi vì bài tập về nhà cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

Cố gắng ngồi làm bài tập về nhà vào lúc 15h – 16h hàng ngày. Thời điểm này khả năng làm việc của cơ thể đạt cao nhất.

Trước khi bắt đầu việc học cần lên kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như sách, vở, đồ dùng học tập...

Bắt đầu với các môn đòi hỏi nhiều thời gian trước. Rất tốt nếu cứ luân phiên học các môn tự nhiên và xã hội.

Trẻ cần phải ngồi vào bàn học, loại bỏ tất cả các yếu tố làm mất tập trung như đồ chơi, tivi, trò chơi vi tính...

Sau 40 – 50 phút học trẻ cần được nghỉ 10 phút, trong thời gian đó trẻ cần được uống nước, thư giãn, tập thể dục giữa giờ, tập thể dục cho mắt.

Trẻ học lớp 2 – 3 thời gian học bài ở nhà không quá 1,5 giờ, trẻ lớp 4 – 5 không quá 2 giờ, trẻ lớp 6 – 8 không quá 2,5 giờ, trẻ học lớp 9 – 11 không quá 3,5 giờ.

Hải Long

Xử trí chấn thương tâm lý khi trẻ bị bạo hành, xâm hại

Gần đây, thông tin về trẻ em bị bạo hành, xâm hại khá nhiều. Điều này gây không  ít hoang mang cho gia đình và xã hội. Tình trạng trẻ bị bạo hành, bị xâm hại tình dục để lại những tổn thương tâm lý nặng nề, rối loạn stress kéo dài, gây những hệ luỵ không tốt cho cuộc sống của trẻ. Vì vậy cần có giải pháp xử trí phù hợp giúp trẻ vượt qua những ám ảnh tâm lý.

Bạo hành thể chất trẻ em là một hiện tượng phức tạp do sự kết hợp của các yếu tố cá nhân, gia đình và xã hội. Trong một số trường hợp, có thể được thực hiện bởi người chăm sóc những trẻ em có vấn đề về thể chất, tâm thần hoặc hành vi. Một số yếu tố khác gây ra bạo hành thể chất ở trẻ em như:  kinh tế xã hội, nghèo nàn, thất nghiệp, căng thẳng của cha mẹ, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, rối loạn nhân cách, những kỳ vọng không thực tế ở con cái, tình huống bùng nổ, xung đột gia đình, những vấn đề cấp tính của hoàn cảnh, môi trường…

Xử trí chấn thương tâm lý khi trẻ bị bạo hành, xâm hại

Có 3 loại bạo hành trẻ em: bỏ rơi, bạo hành thể chất và lạm dụng tình dục

Bỏ rơi: bỏ rơi là khi những nhu cầu sống cơ bản của trẻ không được đáp ứng, bao gồm đầy đủ dinh dưỡng, quần áo, điều kiện sống thích hợp và an toàn, nuôi dưỡng tình cảm, giáo dục phù hợp với lứa tuổi, chăm sóc y tế và răng miệng.

Bạo hành thể chất: những yếu tố nguy cơ của bạo hành thể chất bao gồm sự thiếu hiểu biết của cha mẹ liên quan đến những khả năng phát triển của trẻ đối với những cặp cha mẹ trẻ, bạo lực trong gia đình và mức độ cao của gia đình căng thẳng tâm lý xã hội. Sinh non hoặc có khuyết tật đã được nghĩ tới việc dẫn đến tăng nguy cơ chấn thương cơ thể, tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đặt dấu hỏi về những nghiên cứu này. Con của những người mẹ tuổi vị thành niên có nguy cơ tương đối cao cho tất cả những dạng bạo hành thể chất.

Lạm dụng tình dục: có thể bao gồm tiếp xúc với cơ quan sinh dục, hậu môn hay miệng hoặc có thể dưới hình thức phô dâm hoặc nội dung khiêu dâm. Thủ phạm thường là biết đứa trẻ. Mặc dù loạn luân là hình thức phổ biến nhất của tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em, nó thường bị thầy thuốc bỏ qua hoặc không nhận ra được. Loạn luân thường xảy ra giữa cha đẻ hoặc cha dượng và con gái hoặc con gái riêng nhưng nó có thể xảy ra giữa cha và con trai cũng như mẹ và con trai hoặc các thành viên trong gia đình, người giữ trẻ, giáo viên, người huấn luyện...

Dấu hiệu của bạo hành

Trẻ bị bạo hành dễ gặp chấn thương sọ não hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương, những triệu chứng tổn thương ở nhiều vị trí như thân người, phần trên cánh tay, phần trên cẳng chân, cổ, mặt, vết bầm hoặc sưng nề giống hình ảnh của vết thương do các tai nạn như ngã, bị đánh...

Xử trí chấn thương tâm lý khi trẻ bị bạo hành, xâm hạiHành động bạo lực sẽ ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức của các em.

Trầy da hoặc bầm tím ở âm hộ, dương vật, hậu môn hoặc mặt trong đùi, rách màng trinh, bất thường ở hậu môn trực tràng, bệnh lây qua đường tình dục, thai nghén, đau bụng mạn tính hoặc đau vùng hậu môn, nhiễm khuẩn đường tiết niệu  là những dấu hiệu cho thấy bị lạm dụng tình dục.

Những biểu hiện của trẻ bị bạo hành thể chất có thể gồm: trầm cảm hoặc xu hướng tự sát, lo âu, đái dầm, rối loạn giấc ngủ, ngại giao tiếp, hành vi gây hấn, học tập giảm sút, không tin yêu người khác, thiếu tự tin, sợ hãi gia nhập một mối quan hệ mới, lo lắng, buồn rầu hoặc triệu chứng thất bại với bạn bè và gia đình, lạm dụng thuốc ngủ và rượu, mất ngủ hoặc ác mộng, mảng hồi tưởng.

PGS.TS. Minh Đức

Rối loạn tiền đình Bệnh dễ nhầm lẫn

Hội chứng tiền đình do đâu?

Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cân bằng cho các hoạt động của cơ thể khi di chuyển, đứng, nằm, cúi người hay xoay người… Khi cơ thể có các hoạt động, chuyển động, hệ thống tiền đình sẽ điều chỉnh phù hợp để giữ tư thế cân bằng. Hoạt động này được điều khiển bởi nhóm thần kinh cao cấp.

Hệ tiền đình có vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể, vì thế, khi cơ quan này có vấn đề, mắc bệnh RLTĐ sẽ có triệu chứng mất cân bằng cơ và tái phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, công việc và cuộc sống của người bệnh.

Về nguyên nhân gây nên hội chứng RLTĐ được chia theo 2 nhóm chính. Nếu là hội chứng tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân như: Bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, viêm dây WIII do thuốc (ví dụ như nhóm kháng sinh aminosid), chấn thương (vỡ xương đá), cơn chóng mặt tư thế lành tính, u góc cầu tiểu não (u dây WIII), viêm dây tiền đình do virut.

Hội chứng tiền đình trung ương do nguyên nhân như: thiếu máu não hệ sống nền, khối máu tụ vùng hố sau, u thân não, xơ cứng dải rác, áp-xe não...

Vị trí của hệ thống tiền đình.

Vị trí của hệ thống tiền đình.

Dễ nhầm lẫn

Chóng mặt là triệu chứng hay gặp nhất của hội chứng tiền đình. Người bệnh có cảm giác các đồ vật xung quanh họ quay tròn, thường cảm giác quay rất mạnh, đặc biệt khó chịu. Kèm theo là các rối loạn thần kinh thực vật như buồn nôn, vã mồ hôi, cảm giác sợ ngã... Tuy nhiên, trên thực tế, các biểu hiện của chóng mặt dễ nhầm lẫn các cơn chóng mặt của thông thường. Nếu bệnh nhân mắc hội chứng RLTĐ thì triệu chứng chủ yếu mà bệnh nhân có cảm giác bị dịch chuyển, mọi vật xung quanh xoay tròn hoặc chính bản thân bệnh nhân xoay tròn so với những vật xung quanh. Trong những trường hợp rõ ràng, cảm giác bị dịch chuyển rất rõ, có thể xảy ra trên mặt phẳng đứng dọc hoặc mặt phẳng đứng ngang. Tuy nhiên, có trường hợp chóng mặt không rõ ràng, bệnh nhân chỉ có cảm giác dịch chuyển hoặc lắc lư thân mình hoặc cảm giác bay lên, rớt xuống hay cảm giác mất thăng bằng. Chính vì thế mà nhiều bệnh nhân mắc RLTĐ thường đi khám muộn vì nghĩ rằng các cơn chóng mặt.

Rối loạn thăng bằng là những biểu hiện hay gặp ở bệnh nhân trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên. Có nhiều mức độ khác nhau, rối loạn nặng khi bệnh nhân không thể đứng được, rối loạn nhẹ hoặc vừa với các triệu chứng như đứng không vững, có xu hướng ngã về một phía, bước đi loạng choạng...

Khi thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu rung giật nhãn cầu (nystagmus): đó là một vận động tự động của cả hai nhãn cầu đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục, có nhịp, khá đều đặn và liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau (một nhanh và một chậm).

Ngoài ra, tuỳ theo vị trí tổn thương có thể gặp các triệu chứng như: ù tai, giảm thính lực, điếc, liệt nửa người, rối loạn nuốt, hội chứng tiểu não...

Để nhận biết được hội chứng RLTĐ, cần lưu ý những đặc điểm của chóng mặt (xuất hiện đột ngột và có tính chất xoay tròn hoặc có thể xuất hiện từ từ với những cơn chóng mặt nhỏ nối tiếp nhau hoặc chỉ mất thăng bằng nhẹ lúc đi lại và sau đó triệu chứng này trở thành mạn tính. Hoặc chóng mặt xảy ra lúc thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi không, chóng mặt có lệch về một bên nào không).

Ngoài ra, cần chú ý đến tiền sử của bệnh nhân về tai mũi họng (viêm tai kéo dài), về thần kinh, chấn thương (chấn thương sọ não), về ngộ độc (ngộ độc thuốc, đặc biệt là các kháng sinh độc với tai), về mạch máu, về dị ứng.

Hiểu đúng để điều trị

Hội chứng tiền đình được chia thành hội chứng tiền đình trung ương và hệ thống tiền đình ngoại biên chủ yếu dựa vào vị trí giải phẫu.

RLTĐ ngoại biên: biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung.…

RLTĐ trung ương: là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. RLTĐ trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.

Để xác định chính xác, người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa tai, mũi, họng và thần kinh. Bác sĩ sẽ chỉ định đo não đồ hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp Xquang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI) để tìm đúng nguyên nhân gây hội chứng RLTĐ. Ngoài ra, RLTĐ còn xuất hiện ở những người thường xuyên làm việc căng thẳng, ít ngủ, thường uống rượu bia hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh.

Cần phòng tránh nguy cơ

Để phòng ngừa hội chứng RLTĐ, cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng, cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày, nên để ly nước lọc trên bàn làm việc để tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước. Khi bệnh nhân đã mắc hội chứng RLTĐ thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt... Trường hợp chóng mặt kèm theo các triệu chứng như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay tại chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh. Bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc uống (vì dân mình có thói quen trị bệnh theo chứng), vì ngoài RLTĐ, các dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.

BS. Nguyễn Tiến An

“Bạo lực mềm” học đường: Không thể xem nhẹ

“Bỗng dưng… bị ghét”

Tình cờ, em L.H. (học sinh lớp 11 một trường THPT trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) được bạn bè chụp hình rồi đưa lên trang mạng chung của lớp để trêu đùa. Ban đầu chỉ là những lời trêu chọc, bình phẩm vui, rồi chuyển dần thành những lời nói xấu, thóa mạ nhau trên facebook. Khi cảm nhận được thái độ không tốt mà nhiều người khác dành cho mình, H. đi học không đều và tránh mặt bạn bè. Từ một cô bé xinh xắn, hồn nhiên, em trở thành người lầm lì ít nói, học hành sa sút. Gia đình đã phải vội đưa em đến bác sĩ tâm lý để ngăn chặn hệ quả xấu.

Một thầy giáo chủ nhiệm trường THPT ở Hà Nội cho biết từng chứng kiến 2 học sinh vào học giữa kỳ. Các em học khá và tích cực phát biểu, đi đầu trong mọi hoạt động tập thể. Nhưng cũng có thể vì “tội” thay đổi và “đi ngược” lại không khí vốn có của tập thể nên các em này bị… ghét, dèm pha, bị cho là “chơi trội”. Những câu bình phẩm, cạnh khóe không nói ra trực tiếp nhưng lại tùm lum trên trang fanpage của lớp cũng đủ khiến 2 em dần trở nên cô độc, lầm lũi và tự ti, không còn dám chơi và hòa đồng với các bạn. Sau khi phát hiện, thầy phải động viên rất nhiều, đồng thời nói chuyện công khai với toàn lớp mới dần chấm dứt tình trạng này.

“Bạo lực mềm” học đường: Không thể xem nhẹTuổi học trò nhạy cảm và thiếu kinh nghiệm ứng phó với áp lực nên rất cần sự điều chỉnh kịp thời từ gia đình và nhà trường.

Hiện nay, hầu như mỗi lớp ở các trường THCS, THPT đều lập một nhóm riêng trên mạng xã hội. Bên cạnh những hiệu quả tích cực như thông tin cho nhau những hoạt động của lớp, chia sẻ việc học, các nhóm trên mạng cũng trở thành chỗ để học sinh đàm tiếu, bàn luận hoặc xúc phạm nhau. Nếu trước đây, hình thức bạo hành là học sinh tập hợp thành nhóm tẩy chay một đối tượng nào đó thì bây giờ, các em lại “khủng bố” bạn không thích bằng việc gọi điện, nhắn tin, thậm chí công khai thóa mạ trên mạng xã hội.

Vừa qua, một nhóm giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) và ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiến hành khảo sát thực trạng này trên địa bàn Đà Nẵng. Nghiên cứu được thực hiện trên 500 học sinh tại 2 trường THPT (gồm một trường công lập và một trường dân lập). Kết quả, 19,3% học sinh là thủ phạm của việc bắt nạt, xúc phạm nhau bằng các hình thức trực tuyến (thông qua tin nhắn, hình ảnh hoặc video, các thiết bị điện tử...) và 16,7% học sinh từng là nạn nhân của hình thức này.

Theo khảo sát, đối với hình thức “bắt nạt” trên mạng, các hành vi phổ biến nhất là chia sẻ thông tin để làm trò đùa, làm người khác xấu hổ trên mạng, viết những bình luận khiêu khích xúc phạm, sử dụng những biểu tượng trên mạng để khiêu khích, làm phiền... Những hành động này có thể xâm phạm đến quyền riêng tư của nhiều học sinh và để lại nhiều hệ lụy khó lường, rất cần được quan tâm.

Gây ức chế, tạo ám ảnh

Khác với các hình thức bạo lực thông thường với những hành động đánh, chửi nhau trực tiếp thì “bạo lực mềm” trên mạng trở nên đáng sợ hơn khi chúng đeo bám các học sinh về tận nhà và suốt ngày đêm.

Nỗi ám ảnh tinh thần của “bạo lực mềm” đôi khi còn để lại hậu quả nặng nề hơn nhiều. Đã có trường hợp một học sinh 15 tuổi ở Đồng Nai uống thuốc diệt cỏ tự vẫn khi clip nhạy cảm của em với bạn trai bị tung lên facebook.

Có thể nói, gia đình và nhà trường là hai nhân tố chính ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, đặc biệt là khi các em đang trong giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh không thấu hiểu con em mình. Đa số còn cho rằng những hành vi trên mạng xã hội chỉ là “ảo”, là không đáng kể, còn các hành vi tự giày vò mình, trầm cảm, tự tử chỉ là trường hợp hiếm có, vì bệnh trạng chứ không mấy ai nghĩ bắt nguồn từ chính những “áp lực” ảo đó.

Vai trò của nhà trường cũng là một yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi dạng này. Đã đến lúc ngoài những giờ sinh hoạt trên lớp, các thầy cô giáo cũng cần dành thêm thời gian để nắm và điều chỉnh tình hình thực tế của tập thể học sinh thông qua chính những trang mạng chung của lớp.

ThS. Tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp - chuyên viên tâm lý Khoa Tâm lý lâm sàng BV Quận 2 (TP.HCM) cho rằng bị bạo hành và xúc phạm là một khủng hoảng trầm trọng đối với lứa tuổi vị thành niên. Các em cần được cấp cứu ngay về mặt tinh thần. Với những trường hợp này, các em cần có người thân, bạn thân ở bên cạnh để giúp các em ổn định tinh thần, không làm điều dại dột.

Bước tiếp theo là cách ly nạn nhân khỏi môi trường có liên quan đến sự việc xảy ra. Gia đình cũng cần là nơi lắng nghe, đào tạo cho các em về kỹ năng sống giúp các em mạnh mẽ và bình tĩnh ứng phó trước những tình thế trong cuộc sống.

Nếu bạo lực thông thường dễ phát hiện và có thể được ngăn chặn kịp thời còn bạo lực “mềm” thông qua việc trêu chọc, lăng mạ trên mạng thì nguy hiểm hơn nhiều bởi nó ngấm ngầm, ảnh hưởng lớn về tinh thần và khó phát hiện ngay được. Hậu quả lại đánh vào tâm lý nên vô cùng nặng nề. Thiết nghĩ, các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, tạo nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em không mất nhiều thời gian trên mạng, chú trọng hơn nữa việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp các em vượt qua áp lực trong cuộc sống.

Hải Anh

Cách phòng tránh lây nhiễm HIV

Làm gì để không bị nhiễm HIV?

HIV chưa có thuốc chữa. Đây là lý do vì sao phòng tránh lây nhiễm HIV lại trở nên cực kỳ quan trọng. Vậy cần làm gì để không lây nhiễm HIV:

Không quan hệ tình dục (giao hợp âm đạo, đường miệng, hậu môn). Đây là một phương pháp phòng tránh HIV khá hữu hiệu. Nhưng đối với nhiều người đây không phải là giải pháp khả thi vì quan hệ tình dục là một phần trong cuộc sống và chúng ta muốn được hưởng thụ.

Nếu bạn có đời sống tình dục, cần:

Chung thủy từ cả hai phía (khi biết chắc cả hai không bị nhiễm HIV). Chung thủy vốn là một đức tính mà người Việt Nam ta hằng coi trọng. Dù không xét đến khía cạnh đạo đức thì cũng có thể thấy rõ chung thủy là một điều mang lại nhiều ích lợi. Ở thời đại hiện nay, chung thủy không những bảo vệ hạnh phúc lứa đôi mà còn bảo vệ sức khỏe của chính mình. Nếu có vợ, chồng hay người yêu, bạn hãy coi trọng hơn nữa việc chung thủy.

Dùng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục: Bao cao su có thể coi là thần hộ vệ nếu dùng đúng cách. Nó giúp ta tránh được HIV và nhiều rắc rối khác, trong đó có cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Lý do đơn giản nhất cần phải dùng bao cao su là ta không thể biết người khác có nhiễm HIV hay không, thậm chí người nhiễm HIV rất có thể cũng không biết mình bị nhiễm. Vì thế, nếu có quan hệ tình dục thì hãy nhớ một điều vô cùng quan trọng là: Bạn có thể đảm bảo không lây nhiễm HIV bằng cách luôn luôn dùng bao cao su.

Nếu là người nghiện chích ma túy: Không dùng chung kim tiêm hay xi lanh.

Những hành vi không làm lây nhiễm HIV

Hôn và ôm: Những hành vi này không làm cho virut từ máu hoặc tinh dịch của người nhiễm xâm nhập cơ thể của người kia được.

Muỗi đốt: HIV không tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người. Ngoài ra muỗi không hút máu của người này và nhả vào cơ thể của người kia - chúng hút máu và “tiêu hóa” máu. Chữ “H-human” trong HIV có nghĩa là “người”. Như vậy virut chỉ có thể sống được trong cơ thể người mà thôi.

Dùng chung bồn tắm với người nhiễm HIV: Vì dịch tiết của người nhiễm không thể đi vào cơ thể người không nhiễm qua bồn tắm được.

Dùng chung bàn chải răng với người nhiễm HIV: Hầu như chưa bao giờ xảy ra tình trạng nhiễm HIV do dùng chung các vật dụng trong gia đình. HIV không thể tồn tại lâu bên ngoài cơ thể con người. Sau khi ra khỏi cơ thể của người nhiễm, virut phải tìm cách đi vào cơ thể người khác trong gia đình ngay thì mới sống được - điều này không thể xảy ra nếu không có quan hệ tình dục hoặc sử dụng chung bơm kim tiêm.

Các tiếp xúc thông thường khác: Tất cả các kiểu tiếp xúc thông thường như cùng ăn uống, mặc chung quần áo, bơi chung bể bơi, ở cùng nhà, ngủ chung giường (tất nhiên là không quan hệ tình dục!), làm việc cùng cơ quan, dùng chung nhà vệ sinh, cắt tóc... không làm cho ai bị nhiễm HIV.

Xuân Thủy

Bé thấp còi phải chăm sóc thế nào?

Bùi Thị Như Anh (nhuanh87@gmail.com)

Trong thư bạn không nói rõ chiều cao và cân nặng hiện tại của bé, tuy nhiên, nếu bé đi vòng kiềng rất có thể bé bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Một trẻ phát triển bình thường đến lúc 1 tuổi trẻ nặng gấp 3 lần lúc mới sinh, từ 2 - 10 tuổi trẻ tăng trung bình mỗi năm 2-3kg. Về chiều cao của trẻ: đến khi trẻ 1 tuổi, chiều cao tăng gấp 1,5 lần so với lúc mới sinh, sau đó trung bình 1 năm trẻ tăng 5-7cm/năm cho tới lúc dậy thì. Chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời rất quan trọng, nhất là từ khi sinh đến 3 tuổi. Trẻ thấp còi nếu được chăm sóc đúng vẫn có thể phát triển bình thường. Trẻ thấp còi do nhiều nguyên nhân: do trẻ bị suy dinh dưỡng từ bào thai, suy dinh dưỡng trong quá trình nuôi dưỡng (không được bú sữa mẹ, hay ốm đau, do ăn bổ sung không hợp lý hoặc ăn bổ sung sớm dẫn đến rối loạn tiêu hóa...). Do vậy, bạn phải đưa bé đi khám tìm nguyên nhân nếu có bệnh phải điều trị triệt để. Đối với trẻ biếng ăn, cần phải cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, cho bé ăn những thứ bé thích, mỗi bữa một ít để bảo đảm số lượng thức ăn cần thiết cho trẻ, đồng thời phải cung cấp năng lượng cao hơn trẻ bình thường. Đối với trẻ 2-5 tuổi cần ăn 4 bữa/ngày và uống thêm sữa, nước quả. Trong bữa ăn phải có thịt hoặc cá, trứng, đậu đỗ, rau xanh và mỡ hoặc dầu. Cách chế biến bữa ăn phải phù hợp với khẩu vị của trẻ, luôn thay đổi món ăn để trẻ ăn ngon miệng.

BS. Trần Kim Anh

Bảo vệ trẻ em trước nhiều nguy cơ xâm hại

Thực tế, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.

Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào vào bất kỳ thời điểm nào, bất cứ đâu. Cả bé trai và bé gái đều có thể bị xâm hại tình dục. Và hơn hết, hậu quả mà nó để lại không chỉ là những tổn thương ngoài cơ thể mà còn là những ám ảnh tinh thần. Nỗi đau và những ảnh hưởng khi bị xâm hại tình dục, có khi trẻ phải mang theo đến hết cuộc đời.

Không chỉ người lao động tự do hay không có nghề nghiệp mới là thủ phạm, mà trong đó có cả giám đốc ngân hàng, thầy giáo, cán bộ văn hóa, tổ trưởng dân phố... Tất cả những thông tin về thủ phạm thực sự tạo ra cú sốc cho xã hội.

Chưa bao giờ nạn xâm hại tình dục trẻ em được dư luận tập trung chú ý như hiện nay. Những tin tức khủng khiếp, đau lòng về xâm hại tình dục trẻ em khiến chúng ta bất an, trong khi việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương một số nơi về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ, công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng…

Vì thế trong thời gian tới, để bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt nạn xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, theo các chuyên gia tâm lý, trước tiên cần sự phối hợp và hỗ trợ đồng bộ cả các ban ngành tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em.

Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình cần kịp thời trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết. Ngoài ra, trong công tác phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em cũng rất cần sự phối hợp giữa trẻ và gia đình. Gia đình và nhà trường cần cung cấp cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về giới tính.

Vũ Hải

Giúp con đối phó vấn nạn học quá tải

Học quá tải là một vấn đề nghiêm trọng đối với các nhà sư phạm, các bác sĩ, và trước hết là các bậc phụ huynh. Bởi sự quá tải về trí lực sẽ ...