Giai đoạn biếng ăn thường gặp nhất
Biếng ăn hay gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi và khoảng 40% trẻ trong độ tuổi này có dấu hiệu biếng ăn trước 3 tuổi. Nguy cơ biếng ăn diễn ra cao nhất và có thể kéo dài hoặc trầm trọng hơn ở 3 giai đoạn: 4-6 tháng (trẻ bắt đầu ăn dặm), 12-24 tháng (trẻ chuyển từ chế độ ăn loãng sang ăn đặc) và 24-26 tháng (trẻ chuyển từ chế độ được đút sang thời kỳ tự ăn bằng muỗng).
Tô màu bát bột.
Nguyên nhân và cách xử trí
Biếng ăn là một triệu chứng liên quan đến việc không thèm ăn ở trẻ và do nhiều nguyên nhân, có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Tuy nhiên, biếng ăn ở trẻ cũng thường tiềm ẩn nguyên nhân tâm lý cần được bố mẹ lưu ý.
Biếng ăn có các nguyên nhân chính:
Có nguồn gốc tâm lý: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, thường xảy ra khi thay đổi chế độ ăn ở trẻ nhỏ và hay gặp ở bé gái tuổi vị thành niên.
Ở trẻ nhỏ: Đa số các trường hợp biếng ăn ở trẻ em là thuộc loại này. Trẻ mất đi sự thèm ăn là do trẻ có cảm giác bị ép buộc , bị bỏ rơi hay bị đánh lừa. Do đó, để xử trí loại biếng ăn này, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn tìm hiểu lý do trẻ không chịu ăn, cần tránh những hành vi ép buộc trẻ, cố gắng thay đổi hành vi thái độ, dành nhiều thời gian chơi với trẻ, tạo không khí vui vẻ thoải mái khi trẻ ăn, cho trẻ tự do chọn thức ăn.
Nên cho trẻ ăn thử nhiều loại thức ăn theo cấu trúc thức ăn:
5-6 tháng: Đồ ăn nghiền hay giã nhuyễn (cháo nhuyễn).
7-8 tháng: Đồ ăn mềm có thể ép nát bằng lưỡi (cháo).
12-18 tháng: Đồ ăn cứng hơn có thể căn bằng rang (cơm nát).
Trên 18 tháng: Ăn cơm hạt như người lớn.
Có đôi lúc trẻ chỉ chấp nhận 2-3 loại thức ăn. Bố mẹ cần thử lại loại thức ăn trẻ chưa chấp nhận nhiều lần ở nhiều điều kiện khác nhau (không gian, màu sắc, kiểu dáng bát, thìa…).
Nên nhớ, đừng bao giờ lén pha thuốc vào thức ăn của trẻ.
Ở trẻ thiếu niên: Cách điều trị hiện nay chủ yếu là tâm lý liệu pháp, các kỹ thuật thay đổi thái độ. Bên cạnh đó, cần phục hồi dinh dưỡng để trẻ không bị suy dinh dưỡng. Trong trường hợp này việc kết hợp các thuốc chống trầm cảm rất có ích để điều trị biếng ăn do tâm lý.
Biếng ăn do bệnh lý: Xảy ra trong hầu hết mọi bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun đũa cũng là một nguyên nhân biếng ăn phổ biến ở trẻ em nước ta. Bên cạnh đó, biếng ăn còn do trẻ mắc một số bệnh răng miệng hay trong các bệnh mạn tính nặng như suy tim, hen vừa và nặng.
Để xử trí các trường hợp này cần chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng (đặc biệt là các bệnh do vi khuẩn); bổ sung các vi chất dinh dưỡng mà trẻ thiếu (các vitamin nhóm B, các acid amin, đặc biệt là lysine và kẽm…); tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần; giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt; điều trị sớm các bệnh lý ở răng miệng bằng các biện pháp thích hợp, cho giảm đau trong trường hợp có đau nhiều (viêm miệng, viêm họng, mọc răng); bổ sung các vi khuẩn lactobacillus có ích cho đường ruột.
Biếng ăn sinh lý: Trẻ thường biếng ăn khi trẻ biết lật, biết ngồi, biết đi. Xử trí bằng cách cho trẻ ăn từng bữa nhỏ, làm các món ăn lạ và hấp dẫn. Giai đoạn này sẽ qua một cách tự nhiên.
Biếng ăn do sai lầm trong chế độ ăn và cách chế biến thức ăn: Chế dộ ăn đơn điệu không phù hợp lứa tuổi của trẻ hoặc nghèo nàn về dinh dưỡng (thiếu đạm, các vitamin như B1) dần dần sẽ làm trẻ chán ăn. Các bậc cha mẹ cần tránh những sai lầm sau:
Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt không ăn phần xác, lâu ngày gây thiếu dưỡng chất làm cho trẻ chán ăn.
Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa bằng nước cháo, nước hầm xương làm trẻ khó tiêu hóa.
Pha bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm.
Chất là lượng thực phẩm trong bát cháo hoặc bột không đủ.
Thức ăn đơn điệu làm cho trẻ chán ăn.
Bữa ăn quá nghèo nàn (chỉ có bột và thịt hoặc cá) làm trẻ bị thiếu một số acid amin tối cần thiết và các vitamin. Sự thiếu hụt này có thể dẫn đến tình trạng chán ăn.
Biếng ăn bẩm sinh: Hiếm gặp chiếm khoảng 5% trẻ không bao giờ đòi bú hay đòi ăn.
Biếng ăn có nhiều nguyên nhân, tùy từng nguyên nhân mà có cần thiết bổ sung vitamin nhóm B, probiotic (thường được gọi là men visinh), lysine, kẽm… hay không. Nên tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên khoa trong mỗi trường hợp cụ thể.
Nên làm gì tránh việc trẻ biếng ăn?Để tránh việc trẻ biếng ăn, các bậc cha mẹ nên lưu ý:Không ép con ăn khi con không thích ăn, có thể rời thời gian ăn lại và thay vào đó là cho trẻ chơi đi dạo hoặc cho bé ngủ một giấc ngủ ngắn; chế biến từng loại thức ăn riêng giúp trẻ cảm nhận hương vị và độ thô của thức ăn; dùng nước rau, củ quả luộc trong chế biến thức ăn; thử nhiều món ăn với nhiều màu sắc hình dạng khác nhau; luôn cổ vũ con khi ăn làm trẻ luôn hứng thú và vui vẻ; luôn cố gắng hoàn thành bữa ăn trong 20-30 phút; không cho bé ăn rong; cho trẻ tự cầm thìa xúc ăn...
BS. Nguyễn Hữu Châu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét